top of page
background TGDĐ.jpg

GHI NHẬN: THU THẢO - ĐỒ HỌA: PHƯƠNG LINH

sapo ky 2.png
header ky 2.png

Trong khi các cơ sở thẩm mỹ "chui" liên tục tuyển mẫu tiêm filler để làm tan mỡ, gọn hàm… thì điều trớ trêu là tại các bệnh viện, các ca cấp cứu tai biến do tiêm filler chui cũng ngày một tăng lên.

Mới đây nhất, Bệnh viện Bưu Điện (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 38 tuổi gặp biến chứng nặng sau khi tiêm filler để nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ.

Trao đổi với PV Sóng trẻ, chị N.T.A cho biết vì đọc được quảng cáo trên mạng về việc nâng ngực không đau, không phẫu thuật nên đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội để "trùng tu" vòng một sau hai lần sinh nở.

Sau khi được tư vấn, chị quyết định bỏ ra hơn 20 triệu đồng để nâng ngực bằng chất làm đầy filler. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng, vòng một của chị có dấu hiệu phù nề, đau nhức nên đã ngay lập tức đến bệnh viện thăm khám. Hiện tại, chị đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện Bưu Điện.

kỳ 2 nhap nho 1.png

Muôn vàn biến chứng từ nặng tới nhẹ do tiêm filler tại các thẩm mỹ viện chui (Ảnh: Tư liệu)

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân V.T.M (30 tuổi, Hà Nội) nhập viện tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng mắt sưng húp, không mở được mắt, vùng thái dương tạo thành ổ do tiêm filler.

Theo đó, các bác sĩ đã phải hút ra 3-4 cc mủ vàng, xử lý vùng tiêm để tránh lan ra toàn bộ mặt và có nguy cơ nhiễm trùng máu cấp.

Theo PV ghi nhận, bệnh nhân đã tiêm mũi tại một spa người quen. Tiêm xong khoảng 10 phút, khi đang được nhân viên làm đẹp nắn chỉnh mũi, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật,… mắt trái không nhìn được. Nhân viên spa dừng ngay và tiêm tan filler cho bệnh nhân nhưng không cải thiện.

Tương tự, trước đó, một nữ bệnh nhân là T.T.V (27 tuổi, Đà Nẵng) đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng  bị mù mắt phải do biến chứng sau khi tiêm filler nâng mũi tại spa.

Trao đổi với PV, gia đình chị V cho biết, chị V đến tiệm spa để tiêm filler nâng mũi và được một nhân viên tên Tr tiêm vào mặt. Tuy nhiên chỉ khoảng 5 phút sau, mắt chị V bị sụp mí, vết bầm tím lan rộng, đau nhức khiến chị không mở được mắt. Chị V liên hệ với chủ cơ sở spa này thì được tư vấn "nằm hít thở, thả lỏng thoải mái" và tự kê đơn thuốc luôn cho khách hàng.

kỳ 2 nhap nho 2.png

Hậu tiêm filler làm đẹp tại cơ sở chưa được cấp phép, chị T.T.V gặp những biến chứng nghiêm trọng.(Ảnh:  NVCC)

Sau đó chị T.T.V đã được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Do bệnh chuyển nặng, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuyển tuyến cho chị V. đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và được chẩn đoán biến chứng mất thị lực mắt phải, hoại tử tổ chức quanh mắt phải sau tiêm filler.

Theo người nhà chị V, đến nay ngoài việc chi trả khoản tiền viện phí, điều trị ở Hà Nội hơn 200 triệu đồng, chủ spa đã chặn hết số điện thoại của chị V và người nhà.

Theo ghi nhận từ các bệnh viện da liễu, chỉnh hình trên cả nước, mỗi tháng tiếp nhận từ 30-40 ca liên quan đến tiêm filler. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân nghe quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép hoặc từ những người không có chuyên môn thực hiện. 

Ngoài tay nghề người tiêm, hiện nay có rất nhiều sản phẩm filler không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau. Do đó, gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ và sức khỏe của khách hàng.

kỳ 2 nhap nho 3.png

Các sản phẩm chất tiêm filler, thuốc tê,... được bán tràn lan trên thị trường (Ảnh:  Chụp màn hình)

Bên cạnh đó, nếu các cơ sở spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, việc tiêm filler có tác dụng phụ nhẹ như sưng, bầm tím, nhưng nếu không tiêm đúng và filler không chất lượng sẽ có thể để lại biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tắc mạch, gây ra hoại tử các vùng tiêm, có thể ảnh hưởng đến các vùng lân cận. 

“Nếu trước đây, bệnh nhân thường là người trẻ có thu nhập thấp nên ham rẻ thì hiện nay chúng tôi còn tiếp nhận các ca bệnh ở độ tuổi trung niên đã có kinh tế hơn. Họ tiêm ở cơ sở spa quen biết, trên mạng, không được cấp phép của Bộ Y tế. Trong khi các thủ thuật này phải được cấp phép, người thực hiện phải được đào tạo… Hiện filler được mua bán không đảm bảo chất lượng, thậm chí, cả thuốc giải cũng giả, rất nguy hiểm”, BS Nguyễn Hồng Hà cảnh báo.

ky 2 bac si.png

Một thực tế đáng buồn tại Bệnh viện Da liễu trung ương, cứ hai tuần lại có 10 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tiêm filler.

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, rất nhiều trường hợp vì tin quảng cáo nên đã gặp tai biến phải đến bệnh viện để sửa chữa. Không ít người dân vẫn còn mang quan niệm làm đẹp, can thiệp thẩm mỹ sẽ đến các cơ sở spa, thẩm mỹ viện mà không cần quan tâm cơ sở có được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ hay không. Khi gặp biến chứng, tai biến họ mới đến bệnh viện để sửa sai.

ky 2 bac si 2.png

BS Lê Hữu Doanh khuyến cáo: “Đối với các thủ thuật làm đẹp liên quan đến việc đưa các hoạt chất, hay thuốc vào trong cơ thể hoặc đơn giản nhất chỉ là làm đẹp liên quan đến cấu trúc làn da… người dân cần đến các cơ sở y khoa, các cơ sở được cấp phép để thực hiện. Đồng thời cần quan tâm tìm hiểu thông tin về người thực hiện dịch vụ phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ cũng như các danh mục kỹ thuật thực hiện ở cơ sở đó phải công khai, minh bạch, được cơ quan quản lý cho phép thực hiện...”

bottom of page